Phân biệt tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản

Chiếm giữ trái phép tài sản và sử dụng trái phép tài sản là hai hành vi vi phạm pháp luật và thuộc trong các tội xâm phạm quyền sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người phân biệt giữa tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản.

Phân biệt tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản
Ảnh minh họa

Căn cứ pháp lý:

Định nghĩa:

  • Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
  • Sử dụng trái phép tài sản là hành vi khai thác lợi ích của tài sản (hay khai thác giá trị sử dụng của tài sản) của người khác mà không được sử đồng ý của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đó và trái với quy định của pháp luật với mục đích vì vụ lợi.

Chủ thể của tội phạm:

Người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản có thể là bất kỳ ai, đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.

  • Về năng lực trách nhiệm hình sự: Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
  • Về độ tuổi: Tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
  1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”. Như vậy, đối với tội chiếm giữ tài sản trái phép quy định tại Điều 176 và tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 thì độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với hai tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Khách thể của tội phạm:

  • Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân (người bị hại) được pháp luật Hình sự bảo vệ.
  • Hành vi sử dụng trái phép tài sản cũng xâm phạm đến sở hữu nhưng chỉ xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản, tất nhiên muốn sử dụng thì phải chiếm hữu, nhưng không xâm phạm đến quyền định đoạt tài sản, cũng không xâm phạm đến quan hệ nhân thân.

Mặt khách quan của tội phạm:

Phân biệt tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản
Ảnh minh họa

Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản:

Tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện bởi hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép dưới hình thức: không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản bị giao nhầm; không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì các hành vi nêu trên chỉ bị coi là phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản sau khi:

  • Chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật nhưng người chiếm giữ tài sản vẫn không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản mà mình tìm được hoặc bắt được;
  • Tài sản mà người phạm tội được nhận nhầm hoặc tìm được, bắt được có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Để được coi là bảo vật quốc gia, thì hiện vật đó phải được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Tội phạm được hoàn thành từ thời điểm người chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay thẳng không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Đối với tội sử dụng trái phép tài sản:

Hành vi khách quan duy nhất của tội phạm tội này hành vi sử dụng tài sản một cách trái phép, người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích tài sản chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản. Nhưng để khai thác lợi ích tài sản một cách trái phép trước hết người phạm tội phải tìm cách chiếm hữu được tài sản. Việc chiếm hữu tài sản có thể được thực hiện một cách công khai hợp pháp, nhưng cũng có thể được thực hiện một cách lén lút, trái phép.

Trường hợp người phạm tội chiếm hữu tài sản một cách công khai, hợp pháp rồi sau đó đã sử dụng trái phép tài sản đã chiếm hữu việc xác định tội danh không có gì phức tạp như: lái xe của chủ nhưng lúc chủ không sử dụng thì người lái xe đã sử dụng xe chở khách thuê để lấy tiền. Nhưng nếu tài sản mà người sử dụng trái phép lại là tài sản trước đó họ chiếm hữu trái phép thì vấn đề định tội sử dụng trái phép hay tội có tính chất chiếm đoạt lại là vấn đề khá phức tạp như: thủ quỹ tự ý lấy tiền quỹ đem cho người khác vay lấy lãi, khi thực hiện hành vi này họ  ý thức rằng sau đó sẽ trả lại quỹ. Trong trường hợp này, nhiều nơi xác định thủ quỹ phạm tội tham ô, nhưng thực tế người thủ quỹ không có ý định chiếm đoạt tài sản mà chỉ có ý định khai thác lợi ích của tài sản.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản: được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan Nhà nước có trách nhiệm. Mục đích là biến tài sản đó thành tài sản của mình nên cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản.

Đối với tội sử dụng trái phép tài sản: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhân thức rõ hậu quả xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc để hậu quả xảy ra. Mục đích của người phạm tội là vụ lợi, mong muốn khai thác giá trị sử dụng của tài sản. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Mức hình phạt:

Đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản:

+ Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật:

  • Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

+ Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với tội sử dụng trái phép tài sản:

+ Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
  • Tài sản là bảo vật quốc gia;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Tái phạm nguy hiểm.

+ Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

+ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Sau khi tham khảo bài viết của GIẤY PHÉP CNC nếu quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề giải pháp khác như xin các loại giấy phépbạn có thể chỉnh sửa các loại hợp đồng lao động, dân sự, kiểm soát nhanh hợp đồngchỉnh sửa các loại đơn từ, hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đaitham gia giải quyết liên quan đến bồi thường thu hồi đất, … thì cũng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để giải đáp mọi thắc mắc.

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM 

  • Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Điện thoại: (84) 28-6276 9900
  • Đường dây nóng: (84) 916-545-618
  • Email: contact@cnccounsel.com

Phụ trách:

  • Luật sư Trần Văn Thăng |Luật sư thành viên
  • Điện thoại: (+84) 909 642 658
  • Email: thang.tran@cnccounsel.com

hoặc

  • Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
  • Điện thoại: (84) 387 959 777
  • Email: giang.nguyen@cnccounsel.com

Hỗ trợ bài viết:

  • Bùi Thị Như
  • Nguyễn Thị Ngọc Trang

Trang web:

• https://cnclicense.com/

• https://hopdongmau.net/

• https://cnccounsel.com/

Share

CNC License

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft