Trong thời gian qua, tội phạm cướp tài sản và cướp giật tài sản có dấu hiệu gia tăng, đe dọa đến an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Đây cũng là hai loại tội phạm khiến nhiều người nhầm lẫn nhất. Vậy tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản có gì giống và khác nhau? Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản giúp phân biệt hai tội danh này một cách chính xác, kính mời anh/chị và các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của CNClicense nhé:
Về căn cứ pháp lý
Tội cướp tài sản: Căn cứ theo Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tội cướp giật tài sản: Căn cứ theo Điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Định nghĩa tội cướp tài sản và cướp giật tài sản
Tội cướp tài sản: là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tội cướp giật tài sản: là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác và nhanh chóng tẩu thoát để tránh sự phản kháng của chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản.
Chủ thể của tội tội cướp tài sản và cướp giật tài sản
Là: chủ thể thường có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định
- Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Đối với tội cướp tài sản: Người từ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vì tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với tội cướp giật tài sản: Căn cứ theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự, như vậy đối với tội cướp giật tài sản người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự, vì khoản 1 Điều 171 Bộ luật hình sự chỉ là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là 05 năm tù. Như vậy đối với tội cướp giật tài sản mà người thực hiện là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cần phải chú ý về việc xác định chính xác độ tuổi của người phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt để xem có thuộc trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Khách thể của tội phạm
Đối với tội cướp tài sản: xâm phạm cùng lúc hai khách thể là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản. nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quyền con người thì chưa phản ánh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng tác động là: tài sản và con người.
Đối với tội cướp giật tài sản: khách thể của tội cướp giật tài sản là quyền sở hữu. Tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại quan điểm cho rằng khách thể của tội cướp giật tài sản bao gồm cả quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản. Bởi vì trong tình hình hiện nay nhiều vụ cướp giật tài sản đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của bị hại như cướp giật của người đang điều khiển xe đạp, xe máy làm cho họ bị ngã xe bị thương tích.
Đối tượng tác động là tài sản: tài sản nhỏ gọn hoặc tài sản có thể di chuyển một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Về mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi khách quan
Tội cướp tài sản:
– Dùng vũ lực làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được:
– Hành vi dùng vũ lực là hành vi mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém,…Hay nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác (có thể sử dụng công cụ hoặc không sử dụng công cụ phạm tội) nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể (không có thương tật).
– Hành vi dùng vũ lực chủ yếu đối với người chủ tài sản, người có trách nhiệm quản lý tài sản, bảo vệ tái ản. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội dùng vũ lực đối với bất cứ người nào mà người phạm tội cho rằng họ sẽ cản trở việc thực hiện tội cướp mà họ thực hiện.
– Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được: Ngay tức khắc có thể hiểu là nhanh chóng, ngay lập tức. Như vậy hành vi đe dạo dùng vũ lực ngay twucs khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví du: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức. Việc xác định thế nào là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc khá quan trọng. Vì đây là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản. Ngay tức khắc là ngay lập tức, không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chỉ cần nhằm làm cho người bị đe dọa tin rằng việc dùng vũ lực là hiện thực, sẽ xảy ra tức thời mà không cần biết người phạm tội có ý định dùng vũ lực hay không.
– Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được
– Là hành vi không phải là dùng vũ lực, cũng không phải là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, ví dụ dùng mọi phương pháp, thủ đoạn khác nhau để làm cho nạn nhân không thể kháng cự lại hành vi chiếm đoạt tài sản như: cho uống thuốc ngủ, thuốc độc, gây mê, gây tê,…
– Thời điểm tội phạm hoàn thành: khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi đã nêu, không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã chiếm dược tài sản hay chưa.
– Làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự được được hiểu là: là làm cho sự chống cự của nạn nhân không xảy ra hoặc xảy ra nhưng không có kết quả hoặc người bị tấn công tê liệt ý chí nên không dám chống cự.
Tội cướp giật tài sản: Điều 171 không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản nhưng căn cứ vào khái niệm, vào các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản thì người phạm tội có hành vi giật tài sản một cách công khai, nhanh chóng:
– Giật tài sản có thể nói là đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc) và công khai.
– Công khai: người phạm tội không giữ bí mật hành vi phạm tội của mình, không có ý định che giấu hành vi phạm tội. Người phạm tội nhận thực được người quản lý tài sản và những người khó khả năng biết được hành vi phạm tội ngay khi nó đăng xảy ra.
– Nhanh chóng: nhanh chóng tiếp cận tài sản, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản, nhanh chóng lẫn trốn: người phạm tội thường lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản có thể có sẵn hoặc có thể do người phạm tội chủ động tạo ra.
Lưu ý:
– Người phạm tội không dù vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc ủy hiếp tinh thần người quản lý tài sản nhằm làm cho họ tê liệt ý chí hoặc sợ mà phải giao tài sản. Tuy nhiên người phạm tội có thể dùng vũ lực để tẩu thoát, lúc này việc dùng vũ lực sẽ là tình tiết tăng nặng định khung.
– Thực tiễn có nhiều trường hợp có sự chuyển hóa từ tội cướp giật tài sản sang cướp tài sản. Ví dụ lúc đầu người phạm tội chỉ có ý định giật tài sản nhưng trong quá trình thực hiện hành vi giật thì chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản chống cự giữ lấy hoặc giằng lại tài sản nên người phạm tội đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản, lúc này hành vi phạm tội không còn là cướp giật tài sản nữa, mà hành vi này đã là hành vi cướp tài sản.
– Thời điểm tội phạm hoàn thành: khi người phạm tội giật được tài sản ra khỏi sự quản lý của chủ sở hữu tài sản, không phụ thuộc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không
- Hậu quả
Đối với tội cướp tài sản: hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.
Đối với tội cướp giật tài sản: mặc dù điều luật không quy định nhưng về lý luận tội cướp giật tài sản có cấu thành vật chất, do đó chỉ khi nào người phạm tội giật được tài sản thì tội phạm mới hoàn thành, nếu có hành vi giật nhưng chưa giật được tài sản thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản là tội phạm nghiêm trọng nên nhà làm luật không quy định mức tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu cấu thành tội phạm như đối với các tội khác như tội trộm cắp, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản,…Do đó, người phạm tội cướp tài sản, cướp giật tài sản có giá trị lớn hay giá trị nhỏ thì vẫn là phạm tội.
Mặt chủ quan của tội phạm
Đối với tội cướp tài sản
Lỗi: thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp
Mục đích: chiếm đoạt tài sản. Ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Đối với tội cướp giật tài sản:
Lỗi: thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp
Mục đích: chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi giật tài sản.
Mức hình phạt
Đối với tội cướp tài sản:
– Khung hình phạt nặng hơn, người chuẩn bị phạm tội cũng có thể bị xử lý hình sự, mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Tùy vào tình tiết trong vụ án mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt khác nhau. Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với tội cướp giật tài sản:
– Khung hình phạt nhẹ hơn, không có quy định xử lý hình sự đối với người chuẩn bị phạm tội
– Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Tùy vào tình tiết trong vụ án mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt khác nhau. Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của CNC LICENSE nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ liên quan đến những rủi ro khi mua bán nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc.
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng|Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Website: