Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác, việc chuyển dịch tài sản này có thể bằng di chúc hoặc theo trình tự mà pháp luật dân sự quy định. Vậy trong trường hợp người mẹ đang mang thai mà người cha không may qua đời thì người con đó có được hưởng di sản thừa kế của cha không. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này kính mời anh chị và các bạn theo dõi bài viết dưới đây của CNCLicense nhé:
XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha, mẹ như sau:
“Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Theo quy định này thì người vợ này có thai trong thời kì hôn nhân do đó cái thai này được mặc định là con chung của vợ chồng.
CON TRONG BỤNG MẸ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ CỦA CHA KHÔNG?
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Như vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 613 nêu trên, người đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết thì vẫn được hưởng di sản thừa kế như những cá nhân khác cùng hàng thừa kế.
Người có quyền thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ theo quy định trên thì đứa trẻ khi sinh ra và còn sống sau khi người cha mất sẽ được hưởng di sản thừa kế của người cha và thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Ngoài ra, tại Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Theo đó, khi phân chia di sản thừa kế, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải để lại một phần di sản bằng phần của những người thừa kế khác.
– Nếu thai nhi đó còn sống sau khi sinh ra thì sẽ được hưởng phần di sản thừa kế này.
– Nếu người đó chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng phần di sản thừa kế này.
Như vây, trong trường hợp người vợ có thai mà không may người chồng mất thì thai nhi vẫn được hưởng thừa kế nếu như sinh ra và còn sống.
Theo quy định của pháp luật thì con sinh ra và còn sống thì mới được hưởng thừa kế, vậy con sinh ra và sống được bao lâu thì được xác định là còn sống?
Trước đây điều này được quy định rất rõ tại Điều 23 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo đó thì: “Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử. Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch tự xác định nội dung để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ “Trẻ chết sơ sinh”.
Như vậy, theo quy định trước đây thì con sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên thì mới phải đăng ký khai sinh, tức con sinh ra và sống được 24 giờ trở lên thì mới được xác định là con sinh ra và còn sống. Nếu con sinh ra và chỉ sống được dưới 24 giờ thì sẽ không được xem là sinh ra và còn sống và không được hưởng thừa kế của cha.
Tuy nhiên đến khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 thì tại Điều 30 Bộ luật này quy định như sau: “3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu”. Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp con sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu. Như vậy trong trường hợp con sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì việc con có được thừa kế của cha hay không còn phụ thuộc vào việc người mẹ có lập khai sinh cho con hay không. Tức con sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ sẽ được hưởng thừa kế của cha nếu người mẹ đã lập khai sinh cho con, còn trong trường hợp người mẹ không lập khai sinh cho con thì con sẽ không được xác định là sinh ra và còn sống để được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:
Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương mới nhất năm 2023?
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Hot line: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng| Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Website: