Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp những người hưởng di sản thừa kế đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong mĩ tục của Việt Nam, xâm phạm đến danh dự, uy tín, sức khỏe của người để lại di sản. Khi có những hành vi đó thì người thừa kế không được quyền hưởng di sản thừa kế.
Các trường hợp người thừa kế không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015
Trường hợp không được quyền hưởng di sản thứ nhất
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
Cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản là cố ý giết người để lại di sản, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người để lại di sản. Ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản là đối xử tàn tệ, ngược đãi về thể xác, tinh thần của họ. Xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản qua hành vi làm nhục, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt.
Khi có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe hay hành vi ngược đãi, hành hạ hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm và có bản án về hành vi của người có thể được nhận di sản thì ta không cần xem xét mục đích của việc xâm phạm đó có nhằm là hưởng di sản hay không mà vẫn tước quyền hưởng di sản. Người đó chỉ bị kết án về hành vi trên nếu hành vi đó tác động tới người để lại di sản.
Một điều kiện được đặt ra trong trường hợp này là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Vì vậy, người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Mặt khác, nếu một người bị kết án, sau đó được xóa án tích thì vẫn không được quyền hưởng di sản theo quy định này.
Trường hợp không được quyền hưởng di sản thứ hai
Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản
Quan hệ nuôi dưỡng được đề cập tới đó là quan hệ nuôi dưỡng giữa người thừa kế theo pháp luật và người để lại di sản còn sống. Nghĩa vụ nuôi dưỡng được phát sinh trong các quan hệ sau: cha mẹ – con, anh chị em ruột với nhau, ông bà nội, ngoại – cháu, vợ – chồng,… trong trường hợp một bên cần nuôi dưỡng.
Vi phạm nghĩa vụ nuôi đưỡng ở đây được hiểu là có khả năng thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình trạng khổ sở, khó khăn, thiếu thốn hoặc nguy hiểm tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó.
Trường hợp không được quyền hưởng di sản thứ ba
Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng
Người thừa kế vì muốn chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế khác có quyền được hưởng nên có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác và đã bị kết án về hành vi trên bằng một bảng án có hiệu lực của pháp luật thì người này sẽ bị tước quyền thừa kế.
Người thừa kế khác được hiểu là
- Người thừa kế cùng hàng
- Người thừa kế không cùng hàng. Trong trường hợp này buộc là người thừa kế phải lở hàng phía trên. Vì nếu giết người ở hàng thừa kế phía sau với mục đích chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế đó được hưởng là không có lý do.
Cũng giống như trường hợp một, phải có bản án có hiệu lực của pháp luật thì người thực hiện hành vi giết người thừa kế khác đó mới bị tước quyền thừa kế. Và việc áp dụng quy tắc này còn tùy thuộc vào việc chứng minh động cơ phạm tội của người thừa kế: hành vi đó có nhằm mục đích để chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế có tính mạng bị xâm phạm được hưởng nếu còn sống hay không?
Trường hợp không được quyền hưởng di sản thứ tư
Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả maoh di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, chi giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.
Trường hợp người thừa kế có hành vi lừa dối người lập di chúc hoặc giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc… mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chức thì chỉ áp dụng các biện pháp chế tài thông thường theo Bộ luật Dân sự như bồi thường thiệt hại, chứ không bị tước quyền thừa kế theo trường hợp này.
Tuy nhiên, những trường hợp trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di san theo di chúc.
Trên đây là Các trường hợp không được hưởng di sản. Để được hổ trợ hoặc có vấn đề cần được giải đáp, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được trả lời nhanh nhất.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Hot line: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
- Điện thoại: (+84) 916 545 618
- Email: hung.le@cnccounsel.com
Hoặc
- Trợ lý Luật sư Trần Thị Thanh
- Điện thoại: (+84) 981 317 539
- Email: thanh.tran@cnccounsel.com