Gần đây trên mạng thường xuất hiện những đoạn video clip với nội dung đánh ghen, điều đó gây không ít hoang mang cho dư luận. Nhiều người mạnh dạn lên án hành vi của người đánh ghen, nhưng cũng không ít người lại cảm thương cho họ. Vậy đánh ghen là gì? Và đánh ghen có vi phạm pháp luật không? Để giải đáp cho những thắc mắc trên, kính mời quý đọc giả cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau của CNClicense nhé.
Đánh ghen là gì?
Vẫn chưa có một điều luật cụ thể nào để giải thích rõ về khái niệm “Đánh ghen”. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng: Đánh ghen là ghen tuông có xu hướng tàn bạo, dùng những hành động bạo lực, thô bạo với người khác. Hành vi này có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người bị đánh ghen. Hiện nay việc đánh ghen không chỉ dừng ở mức độ đánh, đấm, túm tóc, gây thương tích,…mà còn lột đồ gây ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm, hình ảnh của người bị đánh ghen.
Vậy “đánh ghen” có vi phạm pháp luật không?
Biện pháp mà vợ, chồng lựa chọn khi phát hiện nửa kia có quan hệ ngoài luồng với người khác thường là đánh ghen.
Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, nếu đánh ghen “không đúng luật”, rất có thể người đánh ghen sẽ bị phạt hành chính hoặc thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Đối với hành vi: Chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm
– Xử phạt hành chính: Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoại tình, nhiều người đã không thể kiềm chế được tính tình của mình dẫn đến nhiều hành vi đánh ghen quá khích ví dụ như miệt thị, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tình của chồng/vợ mình một cách nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nhân phẩm, danh dự của một người được pháp luật bảo hộ, không ai được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính:
Phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng: Vi phạm với bồ của vợ, chồng mình theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng: Vi phạm với chính vợ hoặc chồng mình – người có hành vi ngoại tình theo khoản 1 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng: Vi phạm với thành viên trong gia đình nhưng trên môi trường mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) theo điểm b khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
– Chịu trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, khi vi phạm đến mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự, vợ/chồng đi đánh ghen bằng cách xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155) Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 144/2021/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.
Đối với hành vi: Đánh ghen bằng bạo lực, gây mất trật tự công cộng
Không chỉ xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, nhiều người khi đi đánh ghen còn sử dụng bạo lực để đánh đập người tình của vợ/chồng mình. Những hành vi này đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể sẽ phải chịu chế tài. Cụ thể:
– Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ theo Điều 7, Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi đánh ghen bằng bạo lực, gây mất trật tự công cộng được quy định như sau:
Phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng: Vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ cho người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng: Thuê người khác đánh ghen ảnh hưởng đến sức khoẻ của bồ của vợ/chồng.
Phạt tiền từ 05 – 08 triệu đồng: Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ của người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng: Đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình (vợ, chồng…) theo khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng: Sử dụng dao, gậy… để gây thương tích cho người khác theo điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
– Chịu trách nhiệm hình sự: Đối với hành vi đánh ghen bằng bạo lực thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích cho người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Như vậy, tùy vào tính chất mức độ, nếu như việc đánh ghen dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
Nói tóm lại, nếu đánh ghen nhưng sử dụng các biện pháp vi phạm pháp luật thì người đánh ghen có thể sẽ đối mặt với việc bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vợ hoặc người chồng đi đánh ghen còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho người kia theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Vậy phải làm gì khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình?
Khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình thì đầu tiên anh/chị và các bạn có thể lựa chọn việc ngồi lại tâm sự, nói chuyện thẳng thắn với nhau về những vấn đề xảy ra giữa hai vợ chồng trong thời gian qua để hai bên có thể tìm cách thay đổi nhằm cứu vớt cuộc hôn nhân giữa hai người vì có những trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình chỉ do một phút bồng bột, thiếu suy nghĩ hoặc bị dụ dỗ. Trong trường hợp đã trao đổi với nhau mà người chồng hoặc người vợ vẫn không thay đổi, vẫn không chấm dứt hành vi sai phạm thì hãy “đánh ghen một cách văn minh” bằng các cách sau:
– Tố cáo người vợ hoặc người chồng về việc sống chung với người khác như vợ chồng trong khi đang có vợ, chồng: Khi tố cáo với cơ quan công an nơi người này đang cư trú, người ngoại tình có thể sẽ bị phạt tiền đến 05 triệu đồng theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP hoặc có thể đi tù đến 03 năm về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoại tình đồng nghĩa với việc vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong cuộc sống hôn nhân và gia đình được nêu tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nếu người vợ, chồng sống chung với người khác như vợ chồng thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, để được cơ quan công an tiếp nhận yêu cầu tố cáo, người vợ, chồng phải gửi kèm bằng chứng chứng minh chồng, vợ mình có hành vi sống chung với người khác như vợ chồng: Sống chung công khai, có con chung, có tài sản chung…
– Yêu cầu Toà án ly hôn đơn phương: Nếu người chồng hoặc người vợ không thể chấp nhận hành vi bội bạc của người kia và xác định không thể tha thứ được cho hành vi sai trái của người chồng hoặc người vợ của mình và không muốn sống chung với nhau nữa thì có quyền khởi kiện ly hôn đơn phương tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên việc ly hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của con cái đặc biệt là con chưa thành niên do đó khi quyết định ly hôn đòi hỏi người vợ hoặc người chồng phải cân nhắc thật kỹ để đưa ra quyết định.
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của CNC LICENSE nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai,… thì cũng đừng ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc.
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng|Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Hỗ trợ bài viết:
Cộng sự:
- Nguyễn Thị Ngọc Trang
- Bùi Thị Như
Website: