Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là một trong những vấn đề được người sử dụng đất đặc biệt quam tâm, nhất là với những người có đất bị thu hồi. Hiện nay rất nhiều trường hợp người dân bị thu hồi đất không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ hay quyền lợi tái định cư vì mức giá bồi thường, hỗ trợ thấp hơn giá thị trường rất nhiều lần và quyền lợi tái định cư chưa thỏa đáng. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là trong trường hợp giá trị bồi thường, hỗ trợ cũng như quyền lợi tái định cư không thỏa đáng thì người dân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Hay bồi thường không thỏa đáng, người dân có được từ chối giao lại đất cho Nhà nước? Để giải đáp những câu hỏi này, mời mọi người theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là gì?
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đều là những chính sách của Nhà nước đưa ra nhằm bù đắp phần nào tổn thất cho người có đất bị thu hồi và giúp họ có thể ổn định đời sông, sản xuất và phát triển sau khi bị thu hồi đất. Cụ thể:
– Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất thu hồi cho người có đất thu hồi (Khoản 5 Điều 3 Luật Đất đai 2024).
– Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách của Nhà nước nhằm trợ giúp cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển ngoài các khoản đã bồi thường theo quy định của Luật này (Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2024).
– Tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật này nhưng không còn chỗ ở nào khác (Khoản 39 Điều 3 Luật Đất đai 2024).
Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Điều 91 Luật Đất đai năm 2024 quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
1. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung, sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
2. Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
3. Chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự mà bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường thiệt hại; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ.
4. Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
5. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
7. Khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này mà phần diện tích còn lại của thửa đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu tại khoản 2 Điều 220 của Luật này, nếu người sử dụng đất đồng ý thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Kinh phí bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất quy định tại khoản này được tính vào kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đầu tư.
Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện theo các nguyên tắc như trên.
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng, người dân có được từ chối giao lại đất hay không?
Theo Khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024 quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Như vậy, người dân bị thu hồi đất không có quyền thỏa thuận về mức giá bồi thường mà chỉ có thể lựa chọn hình thức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.
Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất nếu người sử dụng đất không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất theo quy định. Cụ thể nội dung này được quy định rõ tại Điểm b khoản 7 Điều 87 Luật Đất đai năm 2024 như sau:
“b) Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 89 của Luật này.”
Tóm lại, dù người sử dụng đất nhận thấy giá bồi thường, hỗ trợ hay tái định cư không thỏa đáng thì vẫn phải bàn giao lại đất cho Nhà nước, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất.
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng khi nhà nước thu hồi đất, người dân cần làm gì để bảo về quyền lợi của mình?
Tại Điều 237 Luật Đất đai 2024 quy định:
“1. Người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
3. Việc thu thập, bảo quản, sử dụng và lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại về quản lý”

Theo quy định trên, trường hợp người sử dụng đất có căn cứ cho rằng Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng đến cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý đối với các trường hợp mà nhà nước thu hồi đất như thế này thì nên sử dụng quyền khiếu nại, khởi kiện một cách chính xác, đúng thẩm quyền, đúng trình tự và đúng quy định pháp luật từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.
Trình tự, thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng
-
Trình tự, thủ tục khiếu nại
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Gồm các giấy tờ sau:
+ Đơn khiếu nại;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy tờ liên quan đến quá trình sử dụng đất;
+ Phương án bồi thương, hỗ trợ, tái định cư của chính quyền địa phương;
+ Quyết định thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng;
+ Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
+ Các quyết định, thông báo liên quan;
+ Hình ảnh, sơ đồ, video chứng minh sự sai phạm…
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khiếu nại không thể nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ kèm theo Đơn khiếu nại thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại bị xâm phạm.
Bước 2: Nộp đơn khiếu nại
Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, người khiếu nại có thể gửi đơn khiếu nại theo 03 phương thức:
+ Nộp trực tiếp tại cơ quan.
+ Nộp thông qua đương bưu điện
+ Nộp tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Bước 3: Thụ lý đơn
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết. Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do theo Điều 28 Luật Khiếu nại 2011
Bước 4: Xác minh nội dung khiếu nại
Căn cứ Điều 29 Luật Khiếu nại 2011 trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau:
+ Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
+ Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại
Bước 5: Tổ chức đối thoại
Người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.
Việc đối thoại phải được lập thành biên bản. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại theo quy định khoản 1 Điều 30 Luật Khiếu nại 2011
Bước 6: Ra quyết định giải quyết đơn khiếu nại
Theo quy định tại Điều 31 Luật Khiếu nại 2011, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
-
Trình tự, thủ tục khởi kiện:
Nếu trường hợp đã khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó nhưng không được giải quyết thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra tòa án theo trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ như sau:
– Đơn khởi kiện;
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;
– Giấy ủy quyền tham gia tố tụng (nếu có);
– Bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân người khởi kiện;
– Hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giải quyết việc hành chính để ra quyết định thu hồi đất đó.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người khởi kiện nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015. Có thể nộp trực tiếp hoặc thông qu đường bưu điện.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu khởi kiện
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong 03 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán tiến hành xem xét quyết định có thụ lý vụ án hay không.
– Thời hạn chuẩn bị xét xử cho các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
– Thẩm phán sẽ dựa trên các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp hoặc tài liệu, chứng cứ tự mình thu thập được để đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án sơ thẩm tuyên án, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo để giải quyết vụ việc theo thủ tục phúc thẩm.
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của GIẤY PHÉP CNC nếu quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề giải pháp khác như xin các loại giấy phép, bạn có thể chỉnh sửa các loại hợp đồng lao động, dân sự, kiểm soát nhanh hợp đồng, chỉnh sửa các loại đơn từ, hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai, tham gia giải quyết liên quan đến bồi thường thu hồi đất, … thì cũng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để giải đáp mọi thắc mắc.
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng |Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Hỗ trợ bài viết:
- Nguyễn Thị Thanh Xuân
Trang web: