Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Sự kiện này đặt ra các vấn đề liên quan đến việc nuôi con, các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chung, đặc biệt là vấn đề nuôi con khi ly hôn.
“Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn”[1]
Định nghĩa về ly hôn và các thủ tục ly hôn
Ly hôn là gì?
Ly hôn[2] (ly dị) là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng.
Pháp luật quy định nghiêm cấm việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích chấm dứt hôn nhân.
Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Người có quyền yêu cầu ly hôn là vợ, chồng hoặc cả hai người. Thậm chí trong một số trường hợp sau đây, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn:
Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Tuy vậy, nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được yêu cầu ly hôn.
Hình thức yêu cầu ly hôn
Các hình thức ly hôn, hiện Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định 02 cách để yêu cầu ly hôn:
– Thuận tình ly hôn.
– Đơn phương ly hôn.
Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn
Định nghĩa về nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản có giá trị để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014[3]
Điều kiện về quan hệ cấp dưỡng
Về bản chất, quan hệ cấp dưỡng tồn tại giữa hai chủ thể, một bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và một bên là người cấp dưỡng (người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014[4]).
Quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cở sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng, Theo đó, tại khoản 1 Điều 107 Luật HN và GĐ năm 2014 đã xác định rõ: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ chồng theo quy định của Luật này”. Các chủ thể này có thể là thành viên trong gia đình hoặc không phải là thành viên trong gia đình nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Quan hệ cấp dưỡng không chỉ là quan hệ nhân thân mà còn mang tính tài sản nhưng không mang tính đền bù ngang giá. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một số tiền hoặc tài sản nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng. Trường hợp bên có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng eo hẹp tài chính, khó khăn về kinh tế thì ý nghĩa thực tế không còn tồn tại và nghĩa vụ hầu như không có.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác không thể chuyển giao cho người khác. Bên có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể cam kết sẽ dùng nghĩa vụ khác để thay thế, bù trừ nghĩa vụ cấp dưỡng này cũng như bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm.
Mức cấp dưỡng sau ly hôn
Theo Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không có thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng này có thể thay đổi do thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn nên để xác định mức cấp dưỡng cụ thể. Trên thực tế, Tòa án sẽ xem xét các chứng từ, hóa đơn,… liên quan để xác định chi phí phù hợp so với thu nhập và khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Phương thức cấp dưỡng sau ly hôn
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngưng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (+84) 28-6276 9900
- Hot line: (+84) 916 545 618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
- Điện thoại: (+84) 916 545 618
- Email: hung.le@cnccounsel.com
Hoặc
- Trợ lý Luật sư Trần Thị Thanh
- Điện thoại: (+84) 981 317 539
- Email: thanh.tran@cnccounsel.com
Website:
[1] Điều 36 Hiến pháp 2013
[2] Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
[3] Khoản 24 Điều 3
[4] Khoản 24 Điều 3