Hầu hết các cặp vợ chồng khi bước vào cuộc sống hôn nhân đều hướng đến việc có con cái để chăm sóc, nuôi dưỡng vun vén cho cuộc sống gia đình, bởi con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh con chung của hai vợ chồng thì nhiều gia đình còn có con riêng. Vậy định nghĩa như thế nào là con riêng? Và con riêng có được hưởng di sản thừa kế của mẹ kế, cha dượng không? Kính mời anh chị và các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của CNClicense để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé:
Con riêng được định nghĩa như thế nào?
Hiện nay chưa có văn bản hay quy định của pháp luật nào định nghĩa con riêng, tuy nhiên trên thực tế chúng ta có thể hiểu con riêng là con của một bên vợ hoặc một bên chồng với người khác. Tức người con này có thể là con do người vợ hoặc người chồng có trước khi kết hôn với người chồng hoặc người vợ hiện tại.
Người có quyền thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Đối chiếu quy định về hàng thừa kế được nêu ở trên thì có thể nhận thấy rằng con riêng không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp con riêng được hưởng thừa kế của cha dượng, mẹ kế như sau:
1. Quyền thừa kế của con riêng theo di chúc
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Như vậy có thể hiểu di chúc là ý nguyện, nguyện vọng, mong muốn cuối cùng của một người nhằm định đoạt tài sản của mình cho người khác trước khi qua đời. Vì vậy, trong trường hợp người bố dượng, mẹ kế lập di chúc định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho người con riêng thì người con riêng được quyền hưởng thừa kế di sản của bố dượng, mẹ kế theo di chúc.
2. Quyền thừa kế của con riêng theo pháp luật hiện hành
Mặc dù con riêng không thuộc hàng thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 tuy nhiên tại Điều 654 Bộ luật này quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”
Theo quy định nêu trên thì nếu con riêng và bố dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định về diện thừa kế theo pháp luật và thừa kế thế vị.
Như vậy, theo Điều luật này thì về nguyên tắc giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế không được hưởng di sản thừa kế của nhau. Tuy nhiên, vì quá trình chung sống, con riêng có công chăm sóc, nuôi dưỡng bố dượng/mẹ kế và coi họ như cha, mẹ ruột của mình thì pháp luật vẫn công nhận quyền thừa kế của con riêng. Lúc này, con riêng của bố dượng, mẹ kế sẽ có quyền được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản thừa kế bằng với những người khác.
Quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế được xác định như thế nào?
“Quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” là một khái niệm không được quy định cụ thể trong bất kỳ chế định nào của pháp luật Việt Nam. Do đó, để áp dụng chế định “quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế”, chúng ta cần phải chứng minh sự tồn tại “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” giữa cha dượng và con riêng của vợ, mẹ kế và con riêng của chồng.
Căn cứ vào quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có thể hiểu con riêng và cha dượng, mẹ kế chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con khi giữa họ thể hiện những hành vi được quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 của Luật HN & GĐ 2014. Theo đó, cha dượng, mẹ kế có nghĩa vụ và quyền cùng yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con riêng, chăm lo cho việc học tập và giáo dục con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức,… cha, mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, không ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con,…; con riêng có bổn phận yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với cha dượng, mẹ kế, có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ,…
Như vậy, về nguyên tắc con riêng sẽ không được hưởng thừa kế của bố dượng, mẹ kế. Tuy nhiên, nếu trong quá trình chung sống con riêng biết nuôi dưỡng, chăm sóc và coi họ như cha, mẹ đẻ của mình thì pháp luật sẽ công nhận quyền hưởng di sản của con riêng.
Trên đây là ý kiến tư vấn liên quan đến vấn đề “con riêng có được hưởng thừa kế của cha dượng, mẹ kế không?”, nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ liên quan đến nội dung ở trên hoặc Quý khách muốn được tư vấn các vấn đề về phát luật khác thì đừng ngần ngại liên hệ với CNClicense để được tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc.
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng| Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Trang mạng: