BlogJuly 29, 2022by cnclicense0

Hạn mức, quy trình chào hàng thông thường

Chào hàng cạnh tranh thuộc một trong những hình thức đấu thầu nhằm lựa chọn ra nhà đầu tư hay nhà thầu để thực hiện các gói thầu có hạn mức được quy định bởi Luật Đấu thầu. Hình thức này bao gồm chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường và theo quy trình rút gọn.

Bài viết sau đây nhằm cung cấp cho độc giả quy định pháp luật về hạn mức và quy trình của chào hàng cạnh tranh thông thường.

Hạn mức của chào hàng cạnh tranh thông thường

Như đã đề cập, chào hàng cạnh tranh là hình thức đấu thầu được áp dụng đối với các gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ. Đối với chào hàng cạnh tranh thông thường, hạn mức của các gói thầu được quy định cụ thể như sau:

  • Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản có giá trị không quá 05 tỷ đồng.
  • Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng có giá trị không quá 05 tỷ đồng.
  • Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt có giá trị không quá 05 tỷ đồng.

Lưu ý: Để thực hiện chào hàng cạnh tranh thì trước tiên cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.
  • Có dự toán được phê duyệt theo quy định.
  • Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu

 

 

Quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường

Quy trình chào hàng thông thường sẽ được tiến hành qua 06 giai đoạn cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu:

1.1. Lập hồ sơ yêu cầu

Việc lập hồ sơ yêu cầu phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Nội dung hồ sơ yêu cầu bao gồm các nội dung thông tin tóm tắt về dự án, gói thầu; chỉ dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất; tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và xác định giá thấp nhất. Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và đánh giá về kỹ thuật.

1.2. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu

  • Hồ sơ yêu cầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước khi phê duyệt;
  • Việc phê duyệt hồ sơ yêu cầu phải bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định hồ sơ yêu cầu.
Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu:

2.1. Bên mời thầu đăng tải thông báo mời chào hàng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm b Khoản 1 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 8 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho các nhà thầu có nhu cầu tham gia theo thời gian quy định trong thông báo mời chào hàng nhưng bảo đảm tối thiểu là 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên các thông tin này được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Báo đấu thầu;

2.2. Việc sửa đổi, làm rõ hồ sơ yêu cầu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP;

2.3. Nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu bằng cách gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Mỗi nhà thầu chỉ được nộp một hồ sơ đề xuất;

2.4. Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong hồ sơ đề xuất của từng nhà thầu. Ngay sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu tiến hành mở các hồ sơ đề xuất và lập biên bản mở thầu bao gồm các nội dung: Tên nhà thầu; giá chào; thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất; giá trị, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu; thời gian thực hiện hợp đồng và gửi văn bản này đến các nhà thầu đã nộp hồ sơ đề xuất.

Bước 3: Đánh giá các hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng:

3.1. Bên mời thầu đánh giá các hồ sơ đề xuất được nộp theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu. Nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu khi có hồ sơ đề xuất hợp lệ; đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; tất cả yêu cầu về kỹ thuật đều được đánh giá là “đạt”;

3.2. Bên mời thầu so sánh giá chào của các hồ sơ đề xuất đáp ứng về kỹ thuật để xác định hồ sơ đề xuất có giá chào thấp nhất. Nhà thầu có giá chào thấp nhất sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) và không vượt giá gói thầu sẽ được mời vào thương thảo hợp đồng;

3.3. Việc thương thảo hợp đồng thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:

Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP:

4.1. Việc trình kết quả lựa chọn nhà thầu: Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.

4.2. Việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu: Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP trước khi phê duyệt. Cụ thê:

Nguyên tắc chung cho việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:

  • Kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định trước khi phê duyệt;
  • Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ chỉ tiến hành thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ phải thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước khi phê duyệt;
  • Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, không tiến hành thẩm định trong giai đoạn một, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;
  • Đối với gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ, giai đoạn một chỉ tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, việc thẩm định trong giai đoạn hai thực hiện như đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và tương ứng với những nội dung được hiệu chỉnh về kỹ thuật so với giai đoạn một;
  • Không tiến hành thẩm định danh sách xếp hạng nhà thầu trước khi phê duyệt, danh sách xếp hạng nhà thầu được phê duyệt trên cơ sở đề nghị của bên mời thầu;
  • Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp giữa các bên để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nếu thấy cần thiết.

Thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu:

Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt bao gồm:

  • Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu, trong đó phải nêu rõ ý kiến của bên mời thầu đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của tổ chuyên gia;
  • Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia;
  • Biên bản thương thảo hợp đồng;
  • Bản chụp các hồ sơ, tài liệu: Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, biên bản đóng thầu, mở thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các nhà thầu và những tài liệu khác có liên quan; trường hợp đã tiến hành thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì chỉ gửi biên bản mở hồ sơ đề xuất về tài chính và bản chụp hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Nội dung thẩm định bao gồm:

  • Kiểm tra các tài liệu là căn cứ của việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Kiểm tra việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu;
  • Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn một túi hồ sơ và hai giai đoạn hai túi hồ sơ; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu;
  • Kiểm tra việc đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ; việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính;
  • Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình thương thảo hợp đồng; kiểm tra sự phù hợp giữa kết quả thương thảo hợp đồng so với kết quả lựa chọn nhà thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng;
  • Xem xét về những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa bên mời thầu với tổ chuyên gia; giữa các cá nhân trong tổ chuyên gia;
  • Các nội dung liên quan khác.

Báo cáo thẩm định bao gồm các nội dung sau đây:

  • Khái quát về nội dung chính của dự án và gói thầu, cơ sở pháp lý đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu;
  • Tóm tắt toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu từ khi lựa chọn danh sách ngắn (nếu có) đến khi trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã báo cáo theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
  • Tóm tắt đề xuất, kiến nghị của bên mời thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Nhận xét và ý kiến của đơn vị thẩm định về cơ sở pháp lý, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan; về sự bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình lựa chọn nhà thầu; ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về kết quả lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp phát hiện sự không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp giải quyết đối với những trường hợp chưa đủ cơ sở kết luận về kết quả lựa chọn nhà thầu;
  • Các ý kiến khác (nếu có).

4.3. Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

4.4. Trường hợp lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu phải bao gồm các nội dung sau đây:

  • Tên nhà thầu trúng thầu;
  • Giá trúng thầu;
  • Loại hợp đồng;
  • Thời gian thực hiện hợp đồng;
  • Các nội dung cần lưu ý (nếu có).

4.5. Trường hợp hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu, trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu.

4.6. Việc công khai kết quả lựa chọn nhà thầu: Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP; gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu trong thời hạn quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu. Nội dung thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm:

  • Thông tin quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều này (các nội dung trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại Bước 4);
  • Danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu;
  • Kế hoạch hoàn thiện, ký kết/hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.
Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.

Bước 6: Thời gian trong chào hàng cạnh tranh thông thường:

6.1. Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ yêu cầu;

6.2. Trường hợp cần sửa đổi hồ sơ yêu cầu, bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 03 ngày làm việc để nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất;

6.3. Thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất tối đa là 20 ngày, kể từ ngày mở thầu đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất;

6.4. Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định;

6.5. Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định;

6.6. Các khoảng thời gian khác thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu, cụ thể:

  • Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định;
  • Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được phát hành sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên đăng tải thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, gửi thư mời thầu đến trước thời điểm đóng thầu;
  • Thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm tối thiểu là 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ quan tâm trước thời điểm đóng thầu;
  • Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ dự sơ tuyển trước thời điểm đóng thầu;
  • Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ yêu cầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ đề xuất trước thời điểm đóng thầu;
  • Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 20 ngày đối với đấu thầu trong nước và 40 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu;
  • Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 20 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 30 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 40 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhung không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án;
  • Thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày cho từng nội dung thẩm định: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình;
  • Thời gian phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của bên mời thầu hoặc báo cáo thẩm định trong trường hợp có yêu cầu thẩm định;
  • Thời gian phê duyệt hoặc có ý kiến xử lý về kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 10 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu hoặc báo cáo thẩm định trong trường hợp có yêu cầu thẩm định;
  • Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án;
  • Thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời thầu đến các nhà thầu đã nhận hồ sơ mời thầu tối thiểu là 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 15 ngày đối với đấu thầu quốc tế trước ngày có thời điểm đóng thầu; đối với sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu thì tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ không đáp ứng quy định tại điểm này, bên mời thầu thực hiện gia hạn thời điểm đóng thầu tương ứng bảo đảm quy định về thời gian gửi văn bản sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
  • Thời hạn gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu theo đường bưu điện, fax là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.

Trên đây là những thông tin liên quan đến Hạn mức, quy trình chào hàng thông thường. Nếu còn vướng mắc, hay có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến các vấn đề trên vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được trả lời nhanh nhất.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

☎️ Điện thoại: (84) 28-6276 9900

📞 Hot line: (84) 916-545-618

Email: contact@cnccounsel.com

Phụ trách: Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành

📞 Điện thoại: (+84) 916 545 618

Email: hung.le@cnccounsel.com

Hoặc Trợ lý Luật sư Trần Thị Thanh

📞 Điện thoại: (84) 981 317 539

Email: thanh.tran@cnccounsel.com

Website:

https://cnclicense.com/

https://hopdongmau.net/

https://cnccounsel.com/

 

Miễn trừ:

Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

cnclicense

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft