Sổ đỏ: là tên gọi thông dụng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Hiện nay, có nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi được tặng cho hay được thừa kế nhà đất. Vậy liệu người dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ đỏ hay không? Hãy cùng CNClicense tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Điều kiện tham gia giao dịch dân sự của người dưới 18 tuổi
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi do đặc trưng về tâm sinh lý lứa tuổi nên nhận thức còn hạn chế, trình độ học vấn chưa hoàn thiện, vốn kinh nghiệm, hiểu biết xã hội còn ít, sự thông hiểu, hiểu biết về các quy định của pháp luật còn hạn chế nên việc tham gia giao dịch dân sự của người dưới 18 tuổi được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện tham gia giao dịch dân sự của người dưới 18 tuổi như sau:
– Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
– Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, tùy từng độ tuổi cụ thể và loại giao dịch mà giao dịch dân sự do người chưa thành niên tự xác lập, thực hiện sẽ có hiệu lực hay bị vô hiệu. Căn cứ theo quy định nêu trên thì nhóm độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi đã có thể tự xác lập các giao dịch dân sự nhưng pháp luật loại trừ những giao dịch dân sự liên quan tới bất động sản.
Ai là người đại diện theo pháp luật của người dưới 18 tuổi?
Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên người đại diện theo pháp luật là cha mẹ; còn đối với người chưa thành niên có khó khăn trong nhận thức thì người đại diện theo pháp luật là người giám hộ.
Người dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ đỏ hay không?
Luật Hôn nhân và gia đình quy định con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con. Như vậy, con cái có quyền có tài sản riêng và có quyền định đoạt với số tài sản này nếu như có đủ điều kiện.
Tại Khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.”
Theo Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 người sử dụng đất được quy định bao gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo,… Đặc biệt pháp luật không quy định điều kiện về độ tuổi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ hạn chế người dưới 18 tuổi không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản. Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người dưới 18 tuổi không thuộc các trường hợp đó. Bên cạnh đó, theo Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định về thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và Luật Đất đai năm 2013 cũng không đề cập đến độ tuổi của người đứng tên trên Giấy chứng nhận.
Ngoài ra, Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định mọi cá nhân đều có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Điều này có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết đi. Do vậy, người dưới 18 tuổi vẫn có quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ). Pháp luật không phân biệt cá nhân là người thành niên, người chưa thành niên được quyền đứng tên trên sổ đỏ mà chỉ quy định cá nhân nói chung đều được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nên về nguyên tắc, đứng tên trên sổ đỏ không hạn chế về độ tuổi.
Do vậy, người dưới 18 tuổi vẫn có quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) bởi pháp luật chỉ hạn chế người dưới 18 tuổi không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản mà không quy định về độ tuổi được đứng tên trên Sổ đỏ. Mặc dù người dưới 18 tuổi vẫn được phép đứng tên trên sổ đỏ song pháp luật dân sự quy định năng lực hành vi dân sự theo độ tuổi. Với người dưới 18 tuổi không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản mà phải có sự đồng ý của của người đại diện (người chưa thành niên mà có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở…thông qua nhận thừa kế, nhận tặng cho nếu người đại diện đồng ý thì vẫn được đứng tên ngay thời điểm nhận thừa kế, tặng cho – dù chưa đủ 18 tuổi).
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng| Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Trang mạng: