Dân sựNovember 10, 2023by cnclicense0

Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Tuyên bố chết là một trong những chế định đặc biệt của Bộ luật Dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân cũng như các chủ thể liên quan. Vì vậy mà việc tuyên bố một người là đã chết sẽ mang lại hậu quả pháp lý vô cùng quan trọng. Vậy khi nào thì một người được tuyên bố chết? Tuyên bố chết là gì? Tuyên bố chết được quy định như thế nào trong Bộ luật Dân sự 2015? Hãy cùng CNC tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Định nghĩa tuyên bố một người là đã chết

Tuyên bố là đã chết một quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án qua đó nhằm xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý từ việc tuyên bố một người là đã chết khi có đủ các căn cứ luật định.

Điều kiện tuyên bố một người là đã chết

Căn cứ theo Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu rõ về các điều kiện để Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết như sau:

Điều kiện tuyên bố một người là đã chết
  • Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

Theo đó, sau thời hạn 3 năm kể từ ngày tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không tìm được người hoặc không nhận được bất kỳ thông tin xác thực nào về việc người đó còn sống hay đã chết. Theo đó, Tòa án có thể tuyên người đó đã chết mà không cần phải bổ sung thủ tục.

  • Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

Ngày chiến tranh kết thúc có thể hiểu là ngày chiến thắng, ngày tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ngày ký hiệp định hòa bình, ngày tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tránh,… Tùy thuộc vào hoàn cảnh của các cuộc chiến tranh mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định cũng như xác nhận ngày kết thúc chiến tranh.

  • Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Là những người chết trong các tai nạn, thảm họa có thể là động đất, núi lửa, song thần; hoặc là hành khách trong các tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; người làm trong hầm, lò, mỏ bị sập hoặc hư hỏng,.. mà không xác định được hoặc do không tìm thấy xác.

  • Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật Dân sự 2015

Thời hạn này được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó, nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo có tin tức cuối cùng, nếu không xác định được ngày thàng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Tùy vào từng trường hợp mà Tòa án xác định ngày chết của người đó trong bản án hoặc quyết định của Tòa án.

Căn cứ vào các trường hợp trên Tòa án sẽ xác định ngày chết của người bị tuyên bố. Cần lưu ý rằng, quyết định của Tòa án khi tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cứ trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Thẩm quyền tuyên bố một người là đã chết

Thẩm quyền tuyên bố một người là đã chết thuộc về Tòa án. Theo đó, người có yêu cầu nộp hồ sơ yêu cầu đến Tòa án cấp Huyện nơi mà người bị yêu cầu tuyên bố chết có nơi cư trú cuối cùng trước khi chết. [1]

Ai có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết

Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 [2], người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết là người có quyền, lợi ích liên quan đến người đó.

Theo đó, người có quyền, lợi ích liên quan đến người bị tuyên bố chết có thể kể đến:

  • Người có quan hệ hôn nhân, gia đình với người bị tuyên bố là đã chết (cha mẹ, vợ chồng, con đẻ, con nuôi,…)
  • Người có quan hệ thừa kế với người bị tuyên bố là đã chết (người cùng hàng thừa kế của người này, người thừa kế của người bị tuyên bố chết,…)

Hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Khoản 2 Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Người có yêu cầu Tòa tuyên bố một người là đã chết cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Đơn yêu cầu tuyên bố một người chết
  • Tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị tuyên bố là đã chết ở một trong các trường hợp đã nêu trên: Bị biệt tích, đã bị tuyên bố mất tích trước đó, gặp thảm họa, thiên tai,…
  • Giấy tờ nhân thân chứng minh bản thân là người có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định như: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn. Ngoài ra còn có các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố chết (bản sao y). 

Thời gian giải quyết hồ sơ

Để giải quyết yêu cầu tuyên bố một người chết thì cần trải qua các bước sau:

  • Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố chết, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố chết.

Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố chết là 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Theo đó, thời gian để Tòa giải quyết tuyên bố một người chết thông thường là 6 tháng. Tuy nhiên, nếu trong thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố chết quay trở về hoặc người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì phải thông báo cho Tòa án biết để Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

Lệ phí:  Căn cứ theo quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Tòa án thì người có yêu cầu cần nộp lệ phí 300.000 đồng để Tòa án tuyên bố một người là đã chết.

Các bước thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố một người là đã chết như sau:

Các bước yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ.

Người có yêu cầu Tòa án Tuyên bố một người là đã chết cần chuẩn bị hồ sơ như: Đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết; tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị tuyên bố;…

Bước 02: Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi người bị tuyên bố là đã chết cư trú cuối cùng

Bước 03: Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm trong thời hạn khoảng 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố là đã chết.

Bước 04: Tòa án sẽ gửi thông tin đăng, phát thông báo tìm kiếm người bị tuyên bố là đã chết trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

Bước 05: Tòa án mở phiên tòa xét đơn yêu cầu của người đệ đơn.

Bước 06: Người có yêu cầu nhận quyết định của Tòa án.

Hậu quả tuyên bố một người là đã chết

Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

Việc tuyên bố một người là đã chết gây ra các hậu quả pháp lý như sau:

  • Tư cách chủ thể của người bị ra quyết định tuyên bố là đã chết chấm dứt hoàn toàn. Tức là, tính từ thời điểm quyết định của Tòa án có hiệu lực thì cá nhân đó không thể tham gia vào bất cứ quan hệ dân sự nào với tư cách là một chủ thể của quan hệ đó.
  • Về quan hệ nhân thân: quan hệ về hôn nhân gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết. Do đó mà quan hệ hôn nhân của cá nhân bị tuyên bố là đã chết cũng chấm dứt. Bên cạnh đó nếu vợ hoặc chồng của cá nhân bị tuyên bố là đã chết kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Các bạn độc giả có thể tham khảo bài viết dưới đây: “Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết”

Miễn trừ:

Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

[1] Căn cứ theo điểm b Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

[2] Căn cứ theo Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 1 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Nội dung: Bùi Thị Minh Phương

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

  • Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Điện thoại: (+84) 28-6276 9900
  • Hot line: (+84) 916 545 618
  • Email: contact@cnccounsel.com 

Phụ trách:

  • Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
  • Điện thoại: (+84) 916 545 618
  • Email: hung.le@cnccounsel.com

Hoặc

Website:

cnclicense

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft