Ai được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Với nguyên tắc: “ Tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận”, pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do lập di chúc của người để lại di sản. Theo đó, người để lại di sản có quyền truất quyền hưởng di sản của những người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, “tự do” đó phải phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì thế nên để bảo vệ lợi ích của một số người trong diện những người thuộc diện người thừa kế theo pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, pháp luật đã hạn chế quyền định đoạt của người lập di chúc.

Qua bài viết này, ta sẽ cùng tìm hiểu thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là gì? Ai là người có quyền thừa kế không phụ thuộc vào di chúc?

Quyền thừa kế

Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo ý chí của người đó khi còn sống hoặc theo một trình tự nhất định. Mặt khác, các quy phạm pháp luật ghi nhận và quy định trình tự thực hiện và bảo vệ các quyền của người có tài sản, quyền của người thừa kế và các chủ thể khác trong quan hệ thừa kế.

Đối tượng của thừa kế là các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền của người chết để lại (trong một số trường hợp người để lại tài sản có thể chỉ để lại hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản).

Tuy nhiên, một số quyền tài sản gắn liền với nhân thân người đã chết không thể chuyển cho những người thừa kế ( tiền cấp dưỡng, tiền lương hưu…) vì pháp luật quy định chỉ có người đó mới có quyền được hưởng.

Điều kiện nhận thừa kế không phụ thuộc vào di chúc

Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó, trừ trường hợp người nhận từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ/chồng
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động

Về chủ thể

  • Cha, mẹ của người để lại di sản: Cha, mẹ nói đây bao gồm cả cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi. Cha, mẹ nuôi phải là cha, mẹ nuôi hợp pháp, tuân thủ các quy định về cha, mẹ nuôi và con nuôi theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.
  • Vợ, chồng của người để lại di sản: Vợ, chồng phải là vợ, chồng hợp pháp, tuân thủ quy định liên quan của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Trường hợp “con chưa thành niên” hoặc “con đã thành niên”, luật không qui định cụ thể là con đẻ hay con nuôi, con trong giá thú, con ngoài giá thú, nên tất cả những người này đều sẽ thuộc diện thừa kế theo pháp luật:

  • Con chưa thành niên: Thời điểm xác định con chưa thành niên là thời điểm mở thừa kế.
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động: Pháp luật hiện tại không có quy định cụ thể về khái niệm này. Nhưng có thể hiểu người không có khả năng lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động (tổn thương cơ thể) từ 81% trở lên do thương tích, do bệnh tật, do bệnh nghề nghiệp, do già yếu.

Bởi lẽ, khả năng lao động của con người là tổng hợp năng lực về thể chất và tinh thần hay nói cách khác chính là sức lao động của con người được vận dụng trong quá trình lao động tạo ra của cải, vật chất. Một người thành niên có thể có khả năng lao động hay không có khả năng lao động; một người bị suy giảm, thương tích do bệnh, tật, do bệnh nghề nghiệp, do tuổi già tới một chừng mực nào đó sẽ không có khả năng lao động.

Do vậy, để được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, điều kiện chứng minh phải có kết luận của Hội đồng giám định Y khoa hoặc Hội đồng giám định Pháp y tâm thần.

Điều kiện chung để hưởng thừa kế không phụ thuộc di chúc

  • Không từ chối nhận di sản thừa kế;
  • Không bị mất quyền thừa kế;
  • Cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Điều kiện đặc thù để hưởng thừa kế không phụ thuộc di chúc

Để hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, người thuộc diện thừa kế bắt buộc không được hưởng di sản hoặc tuy được hưởng di sản nhưng giá trị phần di sản thực tế nhỏ hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, nếu di sản thừa kế chia theo pháp luật.

  • Để xác định 2/3 của suất thừa kế theo pháp luật chúng ta áp dụng công thức sau:

2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật = 2/3 x (Di sản : Suất thừa kế)

  • Di sản: Tổng di sản sau khi trừ đi khoản chi dùng cho việc thờ cúng, các nghĩa vụ về di sản và các chi phí khác theo điều 658 BLDS 2015.
  • Suất thừa kế: Tổng những người được chia di sản để tính một suất thừa kế. Suất thừa kế bao gồm những người ở hàng thừa kế sau khi đã trừ đi người từ chối quyền hưởng di sản, người thừa kế không có quyền hưởng di sản.

Cách thức tiến hành phân chia di sản cho những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc

Bước 1: Xác định tính pháp lý của di chúc.

Bước 2: Xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm bao nhiêu người, sau đó xác định giá trị mỗi người được hưởng theo pháp luật để xác định giá trị của suất theo pháp luật.

Bước 3: Xác định có bao nhiêu người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Nếu những người thuộc diện thừa kế bắt buộc thực tế không được hưởng di sản thì chia cho họ di sản thừa kế có giá trị bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

Nếu thực tế họ đã hưởng di sản nhưng chưa đủ 2/3 giá trị của suất thừa kế pháp luật thì chia cho họ được hưởng đủ 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Nếu phần di sản mà họ hưởng trên thực tế bằng hoặc lớn hơn giá trị 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật thì không phải chia thừa kế bắt buộc.

Bước 4: Trích phần di sản thừa kế của những người thừa kế khác để bù cho những người thừa kế không phụ thuộc di chúc. Phần di sản mà người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc còn thiếu sẽ được cắt giảm từ những người thừa kế khác, theo tỷ lệ tương ứng mà mỗi người thừa kế khác được hưởng.

Trên đây là nội dung về Ai được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Để được hổ trợ hoặc có vấn đề cần được giải đáp, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được trả lời nhanh nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

  • Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Điện thoại: (84) 28-6276 9900
  • Hot line: (84) 916-545-618
  • Email: contact@cnccounsel.com 

Phụ trách:

  • Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
  • Điện thoại: (+84) 916 545 618
  • Email: hung.le@cnccounsel.com

Hoặc

Website:

Share

cnclicense

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft