Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Vậy trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn thì có ly hôn đơn phương được không? Trình tự thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này kính mời anh/chị và các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Luật CNC LICENSE nhé:
Ly hôn đơn phương là gì?
Ly hôn đơn phương là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống, mối quan hệ vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng dẫn đến việc vợ chồng khó có thể tiếp tục duy trì hôn nhân và một bên vợ hoặc một bên chồng sẽ nộp đơn ra Tòa án để khởi kiện ly hôn. Thuật ngữ pháp lý chính xác để chỉ vấn đề này là “ly hôn theo yêu cầu của một bên”. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 yêu cầu ly hôn. Ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Như vậy, khi có yêu cầu ly hôn của một bên vợ hoặc chồng, Tòa án sẽ tiến hành điều tra và hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ xác định tình trạng hôn nhân có căn cứ để giải quyết cho ly hôn không.
Lưu ý: Căn cứ theo Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu ly hôn thì cần chú ý trường hợp sau: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, nếu rơi vào trường hợp này người chồng sẽ không có quyền nộp đơn khởi kiện ly hôn với người vợ hoặc nếu có nộp đơn thì Tòa án cũng sẽ không thụ lý giải quyết.
Hồ sơ khởi kiện ly hôn bao gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ khởi kiện ly hôn bao gồm:
- Đơn xin ly hôn (theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ- HDTP);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân của vợ/chồng (bản sao y);
- Giấy khai sinh của con (bản sao y);
- Giấy xác nhận cư trú của vợ/chồng (bản sao y).
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao y) đối với trường hợp có yêu cầu giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Trình tự, thủ tục ly hôn đơn phương thực hiện như thế nào?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin ly hôn (theo mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ- HDTP);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân của vợ/chồng (bản sao y);
- Giấy khai sinh của con (bản sao y);
- Giấy xác nhận cư trú của vợ/chồng (bản sao y).
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao y) đối với trường hợp có yêu cầu giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì nguyên đơn nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn (không có yếu tố nước ngoài) tại Tòa án nhân dân Quận/huyện nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bi đơn.
Hình thức nộp hồ sơ:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện từ qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Thụ lý hồ sơ và giải quyết ly hôn
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Lưu ý:
+ Đối với trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ Thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí đối với trường hợp đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Đương sự sẽ qua Chi cục thi hành án dân sự cấp quận/huyện nơi thụ lý vụ án để đóng tiền tạm ứng án phí và nộp lại biên lai đóng tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Sau đó Tòa án sẽ thụ lý vụ án theo điểm b nêu Khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
+ Tiền tạm ứng án phí bao gồm tiền tạm ứng án phí không có giá ngạch và tiền tạm ứng án phí có giá ngạch.Tiền tạm ứng án phí có giá ngạch là khoản tiền tạm ứng mà nguyên đơn phải đóng khi có yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được về vấn đề phân chia tài sản khi ly hôn. Việc đóng án phí được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/YBTVQH14.
- Sau khi Thụ lý vụ án Tòa án sẽ mời các bên lên lấy lời khai và thực hiện các thủ tục cần thiết thấy để xác định các tình tiết khách quan của vụ án và tiến hành đưa vụ án ra xét xử.
- Khi xét xử, nếu Tòa án xét thấy có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì sẽ tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
- Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương là khoảng từ 06 đến 08 tháng. Đối với các vụ việc phức tạp thì có thời gian có thể kéo dài hơn.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
- Điện thoại: (+84) 916 545 618
- Email: hung.le@cnccounsel.com
- Luật sư Trần Văn Thăng| Cộng sự
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Lê Đoàn Kiều Trinh
- Điện thoại: (84) 961 544 918
- Email: trinh.le@cnccounsel.com
Trang mạng:
Khách hàng có thể tham khảo thêm các vấn đề liên quan đến thủ tục ly hôn tại đây:
Chồng hoặc vợ cố tình trốn tránh không ra tòa thì có ly hôn được không?