Hiện nay có nhiều trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng tài sản này lại đang thế chấp tại Ngân hàng. Vậy trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp tại ngân hàng thì có được kê biên để xử lý và thanh toán cho người được thi hành án hay không? Để giải đáp thắc mắc này kính mời anh/chị và các bạn theo dõi bài viết sau đây của CNClicense nhé ạ:
Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng không?
Việc thế chấp tài sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điều 292, Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi thực hiện thế chấp tài sản, quy định tại khoản 8, Điều 320 của Bộ luật Dân sự rõ ràng quy định rằng tài sản thế chấp không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, trừ khi có các trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 321 của Bộ luật này.
Theo khoản 4 và khoản 5, Điều 321, Bộ luật Dân sự, hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh có thể được bán, trao đổi, tặng cho nếu có sự đồng ý của bên nhận thế chấp hoặc theo quy định của Luật. Ngoài ra, cũng có khả năng cho thuê, cho mượn, nhưng điều này phải được thông báo cho bên thuê, bên mượn, và bên nhận thế chấp.
Đối với việc kê biên và xử lý tài sản thế chấp, Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định rằng:
“1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.”
Theo quy định nêu trên thì trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án và giá trị tài sản thế chấp lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm cộng với chi phí cưỡng chế thi hành án thì được kê biên và xử lý tài sản thế chấp. Như vậy, tài sản đang thế chấp tại ngân hàng vẫn được kê biên và xử lý nếu đáp ứng những điều kiện nêu trên.
Những lưu ý khi kê biên nhà, đất đang thế chấp tại ngân hàng
Theo quy định tại Điều 88 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trước khi thực hiện việc kê biên tài sản, ít nhất 03 ngày làm việc, Chấp hành viên phải thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố tại địa điểm tổ chức cưỡng chế, đồng thời bao gồm đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thông báo này sẽ đề cập đến thông tin về thời gian, địa điểm, và tài sản sẽ được kê biên.
Khi tiến hành kê biên đối với nhà đất đang thế chấp, Chấp hành viên cũng phải thông báo cho ngân hàng biết về quá trình này. Trong quá trình xử lý tài sản kê biên, ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán theo khoản 3 Điều 47 Luật thi hành án năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 cụ thể như sau:
“Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.” Để hiểu rõ hơn về thứ tự ưu tiên thanh toán sau khi xử lý tài sản thế chấp, kính mời anh/chị và các bạn theo dõi hai ví dụ sau đây:
Ví dụ 1: Trường hợp Ngân hàng là bên nhận thế chấp tài sản và cũng là bên được thi hành án thì tài sản được xử lý và thanh toán theo thứ tự như sau: trước hết là án phí, tiếp theo là chi phí cưỡng chế, sau đó là tiền thuê nhà trong 01 năm (nếu đây là nhà ở duy nhất của người thi hành án và sau thanh toán không còn đủ tiền để thuê nhà), cuối cùng là tiền nợ đối với ngân hàng.
Ví dụ 2: Trường hợp Ngân hàng là bên nhận thế chấp tài sản và bên được thi hành án là bên khác thì thứ tự ưu tiên thanh toán được thực hiện như sau: số tiền từ việc bán tài sản thế chấp sẽ được ưu tiên thanh toán trước cho ngân hàng, sau đó đến việc thanh toán án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền thuê nhà trong 01 năm (nếu đây là nhà ở duy nhất của người thi hành án và sau thanh toán không còn đủ tiền để thuê nhà), cuối cùng là thanh toán tiền cho bên được thi hành án theo bản án, quyết định của Tòa án.
Từ các ví dụ trên, có thể nhận thấy rằng tài sản đang thế chấp có thể được sử dụng để kê biên và thi hành án khi đáp ứng các điều kiện sau đây: (1) Người phải thi hành án không có tài sản khác hoặc tài sản của họ không đủ để thi hành án; (2) Giá trị của tài sản thế chấp cần phải lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và cộng thêm chi phí cưỡng chế thi hành án.
Tài sản nào không được kê biên theo quy định theo quy định của pháp luật
Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định về tài sản không được kê biên như sau:
– Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
– Tài sản sau đây của người phải thi hành án là cá nhân:
- Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
- Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
- Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm;
- Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương;
- Công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
- Đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình.
– Tài sản sau đây của người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
- Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
- Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh;
- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Sau khi tham khảo bài viết của CNC LICENSE nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai, tham gia giải quyết khiếu nại kiên quan đến bồi thường thu hồi đất,… thì cũng đừng ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc.
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
- Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Điện thoại: (84) 28-6276 9900
- Đường dây nóng: (84) 916-545-618
- Email: contact@cnccounsel.com
Phụ trách:
- Luật sư Trần Văn Thăng|Luật sư thành viên
- Điện thoại: (+84) 909 642 658
- Email: thang.tran@cnccounsel.com
hoặc
- Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
- Điện thoại: (84) 387 959 777
- Email: giang.nguyen@cnccounsel.com
Website: