Phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn?

Hiện nay vẫn có nhiều sự nhầm lẫn liên quan đến yêu cầu phản tố và ý kiến trình bày của bị đơn. Chính sự nhầm lẫn này dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vậy phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến trình bày của bị đơn như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này kính mời anh/chị và các bạn theo dõi bài viết sau đây của CNClicense:

Yêu cầu phản tố là gì?

Quyền đưa ra yêu cầu phản tố

Quyền được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại khoản 1 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”Nghĩa là sau khi nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án hoặc sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu độc lập của Tòa án, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập

Phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn
Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 2 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

  • Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

  • Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

  • Về thời điểm được đưa ra yêu cầu phản tố

Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Theo quy định này thì bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Đây là một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Bởi vì thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự nói chung trước đây theo Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì nhiều trường hợp bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố ngay từ đầu mà có khi đưa ra yêu cầu phản tố trong thời gian chuẩn bị xét xử, có khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên tòa làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài và làm tăng tính phức tạp của vụ án. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là không quy định rõ bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ mấy. Vì một vụ án có thể mở nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không không nhất giữa các Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, đôi khi là sự “lách luật” để có thể xem xét thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn trong trường hợp bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất

Luật sư giỏi tư vấn về yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn
Ảnh minh họa

Ý kiến của bị đơn là gì?

Tại Điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn khi nhận được thông báo như sau: “1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).

Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày”. Như vậy, bị đơn có quyền trình bày ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, việc trình bày ý kiến ở đây có thể hiểu là đồng ý hay không đồng ý đối với các nội dung cũng như yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn đưa ra. Và đồng thời việc trình bày ý kiến này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án.

Phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn

Trước đây, việc phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiển của bị đơn được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên Nghị quyết này đã hết hiệu lực theo Quyết định số 126/QĐ-TANDTC ngày 06/4/2023 và chưa có văn bản thay thế. Do đó, nếu áp dụng tinh thần của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì có thể phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn như sau:

  • Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lậpnếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.

Ví dụ: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.

  • Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lậpnếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập(như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).

Ví dụ: Nguyên đơn C có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu đối với một xe ô tô và buộc bị đơn D trả lại cho mình xe ô tô đó. Bị đơn D có yêu cầu Toà án không công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu của C mà là của mình hoặc công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu chung của C và D. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn D không được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn C.

Như vậy, trong quá trình giải quyết một vụ án có thể phía bị đơn sẽ đưa ra rất nhiều ý kiến, yêu cầu khác nhau do đó để giải quyết triệt để vụ án cần phải xác định xem ý kiến, yêu cầu của bị đơn đưa ra là ý kiến trình bày liên quan đến nội dung vụ án hay là yêu cầu phản tố (đáp ứng các điều kiện để được chấp nhận là yêu cầu phản tố theo khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015) để từ đó Tòa án có thể hướng dẫn bị đơn thực hiện các thủ tục cần thiết để được xem xét ý kiến cũng như xem xét yêu cầu phản tố theo đúng trình tự của pháp luật. Điều này trước hết là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và cũng là để đảm bảo thủ tục tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế trường hợp bản án bị sửa, bị hủy sau này.

Khách hàng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan đến tại đây:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Sau khi tham khảo bài viết của CNC LICENSE nếu Quý khách hàng còn vấn đề nào chưa rõ thì hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn chi tiết hơn. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tư vấn về các vấn đề pháp lý khác như xin các loại giấy phép, soạn thảo các loại hợp đồng lao động, dân sự, rà soát hợp đồng, soạn thảo các loại đơn từ, soạn hồ sơ khởi kiện, lập di chúc, khai nhận di sản thừa kế, đăng ký biến động đất đai, tham gia giải quyết khiếu nại kiên quan đến bồi thường thu hồi đất,… thì cũng đừng ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc.

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM 

  • Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Điện thoại: (84) 28-6276 9900
  • Đường dây nóng: (84) 916-545-618
  • Email: contact@cnccounsel.com

Phụ trách:

  • Luật sư Trần Văn Thăng|Luật sư thành viên
  • Điện thoại: (+84) 909 642 658
  • Email: thang.tran@cnccounsel.com

hoặc

  • Trợ lý Luật sư Nguyễn Thị Hương Giang
  • Điện thoại: (84) 387 959 777
  • Email: giang.nguyen@cnccounsel.com

Website:

https://cnclicense.com/

https://hopdongmau.net/

https://cnccounsel.com/

CNC License

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft