Tài sản là gì? Và Quyền sở hữu tài sản

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Người sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản đó.

Tài sản là gì? Tài sản bao gồm những loại nào?

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Trong đó, bất động sản bao gồm:

  • Đất đai;
  • Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
  • Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
  • Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Phân loại tài sản

Tài sản là vật

  • Vật chính và vật phụ

Dựa vào mối liên hệ, phụ thuộc về công dụng của vật với nhau mà vật được phân thành vật chính và vật phụ. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng (ti vi, điều hòa, máy ảnh…). Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính (điều khiển ti vi, vỏ điều hòa, máy ảnh…).

  • Vật chia được và vật không chia được

Dựa vào việc các định giá trị sử dụng của vật khi được chia thành nhiều phần nhỏ mà Bộ Dân sự phân chia thành vật chia được và vật không chia được. Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu (gạo, xăng, dầu…).

Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu (bàn, ghế, xe máy, tivi…). Những vật không chia được khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiển để chia. Người nào giữ vật không chia được thì phải trả cho người kia số tiền có giá trị tương đương với phần đáng ra được hưởng của họ.

  • Vật tiêu hao và vật không tiêu hao.

Dựa vào đặc tính, giá trị của các tài sản sau khi sử dụng thì chia thành vật tiêu hao và vật không tiêu hao. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu (ví dụ xăng dầu, thực phẩm…).

Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu (Ví dụ nhà ở, máy móc, các loại xe, các công cụ khác…).

  • Vật cùng loại và vật đặc định

Dựa vào các dấu hiệu phân biệt của vật mà người ta phân loại thành vật cùng loại và vật đặc định. Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định bằng những đơn vị đo lường, vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau (ví dụ A thỏa thuận với B nhập một tấn cà phê, cà phê là vật cùng loại do đó B có thể nhập cho B cà phê của bất kỳ hãng nào nhưng phải đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu của A).

Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí, khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó (ví dụ A thỏa thuận với B mua chiếc xe SH mode có số khung…..,).

  • Vật đồng bộ và vật không đồng bộ

Ngoài ra, người ta còn chia ra làm vật đồng bộ và vật không đồng bộ. Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phân không đúng quy cách, chúng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tài sản là tiền

Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Bộ luật Dân sự 2015 quy định tiền là một loại tài sản nhưng lại không có quy định để làm rõ bản chất pháp lý của tiền. Chỉ có loại tiền có giá trị lưu hành trên thực tế, tức là được pháp luật thừa nhận, mới được coi là tài sản. Tiền là công cụ thanh toán đa năng, là công cụ tích lũy tài sản và là thước đo giá trị.

Tài sản là giấy tờ có giá

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.

Giấy tờ có giá hiện nay tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như séc, cổ phiếu, trái phiếu, các loại chứng khoán… Ngoài ra, còn có các loại giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy đăng ký xe máy, xe ô tô… không phải là giấy tờ có giá. Những loại giấy tờ này chỉ được coi là một vật thuộc sở hữu của người đứng tên trên giấy tờ đó.

Tài sản là quyền tài sản

Còn theo Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Quyền sở hữu tài sản

Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Trong đó:

Quyền chiếm hữu

Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu không phải là chủ sở hữu.

Quyền sử dụng

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Đối với quyền sử dụng của chủ sở hữu, chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Đồng thời, người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp nhân.

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

Pháp luật quy định cho cá nhân là chủ sở hữu hoặc không phải là chủ sở hữu có quyền đình đoạt về tài, tuy nhiên để có quyền định đoạt thì phải đáp ứng những điều kiện nhất định về năng lực hành vi và các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định:

(i) về năng lực hành vi, việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật;

(ii) về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về định đoạt tài sản.

Trong trường hợp pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục định đoạt thì cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục đó.

Quyền khác đối với tài sản

Còn theo Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

Quyền đối với bất động sản liền kề

Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên bất động sản (bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (bất động sản hưởng quyền).

Quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được hiểu là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Như vậy, quyền hưởng dụng là một quyền phát sinh từ quyền sở hữu, làm hạn chế tính năng của chủ sở hữu.

Quyền bề mặt

Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Đặc trưng của quyền bề mặt là quyền này chủ áp dụng đối với đối tượng là quyền sử dụng đối với mặt đất, mặt nước cùng với phạm vi quyền là khoảng không gia bên trên và bên trong của các đối tượng này.

Trên đây là những thông tin liên quan đến việc Tài sản là gì? Và Quyền sở hữu tài sản.  Để được hổ trợ hoặc có vấn đề cần được giải đáp, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được trả lời nhanh nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

  • Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Điện thoại: (+84) 28-6276 9900
  • Hot line: (+84) 916 545 618
  • Email: contact@cnccounsel.com 

Phụ trách:

  • Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
  • Điện thoại: (+84) 916 545 618
  • Email: hung.le@cnccounsel.com

Hoặc

Website:

Share

cnclicense

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft