Trường hợp nào di chúc không hợp pháp

 

Hiện nay, vì muốn để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết mà nhiều người đã lập di chúc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà không ít trường hợp di chúc không hợp pháp. Hãy cùng tìm hiểu những trường hợp di chúc bị coi là không hợp pháp qua bài viết dưới đây.

Không có quy định cụ thể về các điều kiện di chúc bị xem là bất hợp pháp. Tuy nhiên, dựa vào quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 chúng ta có thể phần nào xác định những trường hợp di chúc không hợp pháp trên những phương diện sau:

Di chúc không hợp pháp về năng lực chủ thể khi lập di chúc

Người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc

Bởi vì việc lập di chúc là hành vi chủ sở hữu định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình nên người lập di chúc phải nhận thức được hành vi mà mình đang thực hiện. Nếu người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt, không biết rõ hành vi đang làm sẽ dẫn đến định đoạt tài sản của bản thân cho người khác trái với ý muốn của mình, đi ngược lại với bản chất của di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Người lập di chúc bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Theo đó, người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ, là sự thống nhất giữa mong muốn chủ quan với hình thức thể hiện ra bên ngoài sự mong muốn đó. Khi mong muốn bên trong và sự thể hiện ra bên ngoài không thể hiện được sự thống nhất, điều này đã làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong những trường hợp người  lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa hoặc di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối.

Cưỡng ép người lập di chúc có thể là sự cưỡng ép về thể chất (đánh đập, thúc ép, giam cầm…) hoặc về tinh thần (như đe dọa làm mất uy tín, đe dọa gây thiệt hại đến người thân…).

Lừa dối người lập di chúc có thể được thực hiện thông qua việc đưa thông tin sai lệch để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc đã mất tích nên không lập di chúc để lại di sản cho người đó mà để lại di sản cho người khác; đưa tin sai lệch, thất thiệt, vu cáo để người để lại di sản truất quyền thừa kế của người khác, thậm chí trong nhiều trường hợp làm sai lệch nội dung di chúc rồi đưa cho người đó ký.

Tất cả những trường hợp đó đều làm cho di chúc không phát sinh hiệu lực pháp luật.

Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được lập thành văn bản, không được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân phản ánh cá nhân có khả năng bằng hành vi của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự. Cá nhân chỉ có thể lập di chúc thể hiện ý chí của mình khi cá nhân đó có thể định đoạt được tài sản của mình.

Vì vậy, pháp luật đòi hỏi người lập di chúc phải đạt đến một độ tuổi nhất định đồng thời phải đủ khả năng nhận thức về việc định đoạt tài sản của mình.

Mặc dù, pháp luật yêu cầu người lập di chúc phải là người đã thành niên và hoàn toàn có khả năng nhận thức vào thời điểm lập di chúc nhưng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vẫn có thể lập di chúc khi được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 

 

Di chúc không hợp pháp về nội dung di chúc

Nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Theo quy định này, khi người để lại di sản thực hiện quyền lập di chúc của mình chỉ cần đảm bảo không vi phạm những quy định của luật không cho phép người lập di chúc thực hiện.

Hiện nay, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đều liệt kê hành vi bị cấm tương ứng với phạm vi điều chỉnh của văn bản. Ví dụ, Luật Thương mại năm 2005 (Điều 70, 71), Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 17, 39), Luật Đất đai năm 2013 (Điều 12)…

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự 2015 năm 2015 chỉ liệt kê một số hành vi bị cấm như: “cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam[1]”. Đối với hoạt động xác lập giao dịch nói chung và di chúc nói riêng, BLDS năm 2015 không quy định cụ thể trường hợp nào cấm, không cho phép thực hiện.

Pháp luật có quy định “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”[2] Mỗi một quốc gia sẽ mang những nét đặc thù riêng về các chuẩn mực đạo đức này. Về quy định này, có quan điểm cho rằng: “Việc lập di chúc có nội dung không trái pháp luật của một người mới chỉ là việc họ thực hiện bổn phận của công dân.

Ngoài bổn phận công dân, họ còn phải thực hiện bổn phận làm người. Đạo làm người đòi hỏi các cá nhân khi lập di chúc phải luôn luôn hướng tới phong tục, tập quán, truyền thống nhân bản và tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng gia đình cũng như cộng đồng dân tộc”[3]. Vì vậy, các giao dịch nói chung và việc lập di chúc nói riêng ngoài tuân thủ quy định của pháp luật, nội dung của di chúc còn không được trái đạo đức xã hội.

Di chúc không hợp pháp về hình thức

Pháp luật dân sự có quy định về hình thức bắt buộc đối với từng chủ thể lập di chúc nhất định. Nếu không tuân thủ điều kiện có hiệu lực về hình thức thì di chúc sẽ vô hiệu như sau:

Di chúc miệng không được thể hiện trước ít nhất 02 người làm chứng, người làm chứng không ghi chép lại, ký tên hoặc điểm chỉ và trong 05 ngày không được chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc miệng như sau: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Trường hợp di chúc miệng không đảm bảo những điều kiện trên thì không được coi là hợp pháp vậy phần tài sản thuộc sở hữu của người di chúc miệng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế quy định tại  Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ không được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Pháp luật hiện hành quy định về di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ là một quy định rất nhân văn, có nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền của những người bị coi là yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.

Để bảo đảm di chúc được lập theo đúng ý chí của người để lại di sản thuộc vào những đối tượng yếu thế nêu trên, hạn chế mức thấp nhất khả năng những người này bị lợi dụng điểm yếu của họ để lập di chúc không đúng với ý chí đích thực, pháp luật đã đặt quy định yêu cầu đối với hình thức di chúc của họ được coi là hợp pháp khi có người làm chứng và phải được công chứng hoặc chứng thực.

Tất nhiên để đảm bảo vô tư, khách quan cho việc lập di chúc người làm chứng có thể là bất cứ ai trừ những người sau: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 632 Bộ luật dân sự năm 2015).

Tương tự như vậy Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc (Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2015).

Mặc dù pháp luật có quy định về di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ nhưng thực tiễn xét xử Tòa án đều ít khi ghi nhận giá trị pháp lý của di chúc này vì thủ tục lập di chúc được coi là chưa rõ ràng, cụ thể. Thực trạng vấn đề này là do pháp luật hiện hành chưa có quy định thực sự cụ thể, rõ ràng về những vấn đề còn mâu thuẫn nêu trên.

Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực và không có đủ điều kiện để di chúc hợp pháp

Theo đó, đối với di chúc được lập bằng văn bản mà không có công chứng, chứng thực thì chỉ được coi là hợp pháp nếu đap ứng đủ các điều kiện sau:

  • Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không vị lừa dối, de dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Như vậy, nếu di chúc không được công chứng, chứng thực và không đáp ứng đủ điều kiện để di chúc hợp pháp thì di chúc sẽ không phát sinh hiệu lực pháp luật.

Trên đây là Những trường hợp di chúc không hợp pháp. Để được hổ trợ hoặc có vấn đề cần được giải đáp, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được trả lời nhanh nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

  • Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Điện thoại: (84) 28-6276 9900
  • Hot line: (84) 916-545-618
  • Email: contact@cnccounsel.com 

Phụ trách:

  • Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
  • Điện thoại: (+84) 916 545 618
  • Email: hung.le@cnccounsel.com

Hoặc

Share

cnclicense

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Website được thiết kế và quản lý bởi Tre Xanh Soft